Topforexvn.com – Trong báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á” công bố ngày 23/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho nhiều nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, do xuất khẩu sụt giảm trước căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu.
Cụ thể, ADB hạ dự báo tăng trưởng chung của khu vực xuống 4,7% năm 2025 và 4,6% năm 2026 (giảm lần lượt 0,2 điểm % so với dự báo hồi tháng 4).
Việt Nam vẫn tích cực dù bị điều chỉnh giảm
ADB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,3% cho năm 2025 (từ 6,6%) và 6,0% cho năm 2026 (từ 6,5%). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực, nhờ khả năng chống chịu tốt trước các biến động bên ngoài.


Theo ADB, trong nửa đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi sự phục hồi của xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI mạnh mẽ. Vốn FDI đăng ký tăng 32,6%, giải ngân tăng 8,1%. Đầu tư công cũng đạt mức giải ngân cao nhất kể từ 2018, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo rằng kế hoạch Mỹ tăng thuế nhập khẩu từ tháng 8 tới có thể gây áp lực lên xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối 2025 và sang năm 2026. Chỉ số PMI cũng cho thấy sản xuất đang chững lại. Lạm phát được dự báo giảm xuống 3,9% năm 2025 và 3,8% năm 2026.
ADB nhấn mạnh: nếu cải cách trong nước được thực hiện hiệu quả, Việt Nam có thể hạn chế được rủi ro từ bên ngoài.
Toàn khu vực còn nhiều rủi ro
ADB cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều bất định như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu.
Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 4,7% năm 2025 và 4,3% năm 2026. Trong khi đó, Ấn Độ bị hạ dự báo còn 6,5% và 6,7%, do ảnh hưởng từ chính sách thương mại của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á đã cho thấy khả năng thích nghi, nhưng cần tiếp tục cải thiện nội lực và tăng cường hội nhập để giữ vững đà tăng trưởng.”