Các nhà giao dịch thân mến! Nếu bạn đã từng tìm hiểu về phân tích kỹ thuật, chắc hẳn bạn sẽ hiểu rằng không có một chỉ báo kỹ thuật nào được xem là “chén thánh” và có thể đảm bảo lợi nhuận tuyệt đối trên thị trường ngoại hối. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên từ bỏ việc tìm kiếm một chỉ báo phù hợp với chiến lược của mình.
Việc kết hợp hoặc điều chỉnh các chỉ báo theo cách riêng có thể giúp bạn xây dựng một chiến lược giao dịch hiệu quả. Tuy nhiên, đừng biến biểu đồ của bạn thành một “cây thông Noel” với quá nhiều chỉ báo. Chúng ta có thể bắt đầu với những yếu tố cơ bản bằng cách trả lời bốn câu hỏi quan trọng sau đây.


1. Bạn muốn sử dụng chỉ báo để làm gì?
Tương tự như việc chọn công cụ cho một công việc cụ thể, bạn nên xác định mục đích sử dụng chỉ báo.
Bạn có muốn dùng dao cắt hoa quả để thái thịt hay không? Hay chọn ống kính góc rộng để chụp ảnh chân dung? Nếu không muốn sử dụng sai cách, thì bạn cần cân nhắc sử dụng một chỉ báo phù hợp với phong cách giao dịch của mình.
- Nếu bạn muốn xác định xu hướng, đường trung bình động (Moving Averages) có thể là lựa chọn phù hợp.
- Nếu bạn thích bắt đỉnh và đáy, các bộ dao động như Stochastic hoặc RSI có thể sẽ hữu ích.
Nếu bạn cảm thấy những thuật ngữ này còn xa lạ, hãy quay lại tìm hiểu về các chỉ báo động lượng và bộ dao động để hiểu rõ hơn.
2. Bạn có hiểu cách chỉ báo hoạt động không?
Có thể bạn đã biết cách sử dụng chỉ báo, nhưng bạn có thể chưa hiểu cách sử dụng nó hiệu quả để tận dụng nó tốt hơn. Bạn không cần phải thuộc lòng các công thức tính toán phức tạp, nhưng bạn cần biết những yếu tố đầu vào của chỉ báo. Ví dụ:
- Chỉ báo này dự đoán tương lai hay chỉ xác nhận xu hướng đã qua?
- Nó sử dụng giá đóng cửa, giá cao nhất, thấp nhất hay khối lượng giao dịch?
- Chỉ báo hoạt động tốt nhất trong xu hướng hay trong thị trường đi ngang?
- Nó đo lường động lượng, độ biến động hay hướng đi của giá?
Việc nắm rõ nguyên lý hoạt động của chỉ báo sẽ giúp bạn tránh bị “mù quáng” bởi tín hiệu mà nó tạo ra.
3. Khi nào chỉ báo hoạt động kém hiệu quả?
Hãy nên nhớ rằng: Không có chỉ báo nào hoàn hảo. Vì vậy, cần biết khi nào chúng có thể đưa ra tín hiệu sai để tránh bị mắc bẫy. Ví dụ:


- Đường trung bình động thường không hiệu quả khi thị trường đi ngang, vì có thể khiến bạn bị mắc kẹt trong các biến động nhỏ.
- RSI và Stochastic có thể đưa ra tín hiệu mua/bán quá sớm trong các xu hướng mạnh, dẫn đến các giao dịch sai lầm.
- MACD thường báo hiệu giao cắt sau khi một xu hướng đã diễn ra, khiến bạn vào lệnh muộn.
- Bollinger Bands cho biết mức độ biến động nhưng không xác định được hướng đi rõ ràng.
Việc hiểu được điểm yếu của chỉ báo sẽ giúp bạn tránh khỏi những tình huống không mong muốn khi giao dịch.
4. Cài đặt chỉ báo kỹ thuật thế nào cho hiệu quả?
Sau khi chọn được chỉ báo phù hợp, việc tiếp theo là điều chỉnh các thông số để phù hợp với phong cách giao dịch.
- Cài đặt thấp hơn khiến chỉ báo phản ứng nhanh hơn nhưng dễ tạo ra tín hiệu nhiễu.
- Cài đặt cao hơn giúp lọc bớt tín hiệu sai nhưng có độ trễ lớn hơn.
Vậy đâu là mức thiết lập lý tưởng?
Một số nhà giao dịch tin rằng cài đặt mặc định là tối ưu vì nhiều người sử dụng, tạo hiệu ứng tự củng cố trên thị trường. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có những thiết lập phù hợp hơn với điều kiện thị trường hiện tại, hãy thử nghiệm bằng cách backtest trên dữ liệu thực tế.
Mẹo điều chỉnh chỉ báo:
- Chọn khung thời gian phù hợp với phong cách giao dịch của bạn (lướt sóng, giao dịch trong ngày, trung hạn hay dài hạn).
- Điều chỉnh thông số theo mức độ biến động của thị trường (biến động cao = cài đặt dài hơn).
- Kiểm tra nhiều thiết lập khác nhau để tìm ra thông số hiệu quả nhất.
- Kết hợp chỉ báo với hành động giá (price action) để có tín hiệu chính xác hơn.
Nhìn chung, chỉ báo kỹ thuật là công cụ hỗ trợ, nó không phải chiếc “đũa thần” có thể dự đoán thị trường một cách chính xác tuyệt đối. Với việc trả lời bốn câu hỏi trên, bạn sẽ tránh được những sai lầm phổ biến của các nhà giao dịch chỉ dựa vào chỉ báo mà không hiểu rõ cách nó hoạt động.
Không có chỉ báo kỹ thuật nào hoàn hảo, chỉ có chỉ báo phù hợp với bạn, phong cách giao dịch của bạn và tâm lý giao dịch của bạn. Đó mới chính là “chén thánh” thực sự.