Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã bùng nổ trong năm nay, trái ngược với sự suy giảm trong chi tiêu và thương mại của Mỹ, dữ liệu chính thức cho thấy, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia chiến lược Đông Nam Á này.
Việt Nam ngày càng trở thành mắt xích lắp ráp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn thường phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc và người tiêu dùng Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được sự nâng cấp quan hệ ngoại giao Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9, sau một năm nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhằm nâng Mỹ lên ngang hàng với Trung Quốc trong bảng xếp hạng của Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12 với mục đích làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Các nhà ngoại giao cho biết, ông có thể đồng ý tuyên bố rằng hai nước có chung vận mệnh, điều này có thể được Bắc Kinh hiểu là một sự nâng cấp chính thức trong quan hệ ngoại giao.
Không rõ sự nâng cấp mang tính biểu tượng nào có trọng lượng hơn, nhưng về mặt kinh tế, cho đến nay, Trung Quốc dường như chiếm thế thượng phong, một phần là do chính sách thương mại của Mỹ. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh và nhiều lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Trung Quốc trong những năm gần đây đã khuyến khích đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hồng Kông cộng lại đã tăng lên 8,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế vì đại dịch, khiến họ trở thành những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Thay vào đó, đầu tư đăng ký của Hoa Kỳ đã giảm xuống 0,5 tỷ USD trong năm nay từ mức 0,7 tỷ USD vào năm 2022.
Thương mại song phương cũng giảm sút do người tiêu dùng Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong năm nay và không có thỏa thuận cắt giảm thuế quan nào trong chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Dữ liệu của Việt Nam cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm 15% xuống còn 79,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và nhập khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm.
Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên gần 50 tỷ USD, mặc dù nhập khẩu giảm do Việt Nam chủ yếu mua linh kiện từ Bắc Kinh được lắp ráp để xuất khẩu sang các nước phương Tây.