Topforexvn.com – Trong phiên giao dịch sáng ngày 01/07, giá dầu tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng ba tuần, áp lực đến từ việc căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt và kỳ vọng OPEC+ sẽ nâng sản lượng trong thời gian tới.
Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 9 đã giảm 0,3% xuống 66,57 đô la/thùng, trong khi giá dầu WTI của Hoa Kỳ cũng giảm 0,3% xuống 63,64 đô la/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 11/6, thời điểm ngay trước khi xung đột Israel – Iran nổ ra. Việc lệnh ngừng bắn giữa hai bên có dấu hiệu được duy trì đã làm giảm lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ khu vực Trung Đông.
Giá dầu giảm nhờ kỳ vọng OPEC+ tăng sản lượng
Thêm vào đó, tâm lý thị trường đang chịu sức ép từ khả năng OPEC+ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8, theo nguồn tin từ Reuters.
Trước đó, liên minh này đã có các đợt tăng tương tự trong ba tháng liên tiếp. Tổng sản lượng bổ sung trong năm của OPEC+ sẽ nâng lên 1,78 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn so với tổng mức cắt giảm trong hai năm qua. Tuy nhiên, động thái này có thể mở đường cho các đợt tăng sản lượng mạnh tay hơn, nhằm ứng phó với đà giảm kéo dài của giá dầu.
Các nhà sản xuất hàng đầu của OPEC+ như Saudi Arabia và Nga cũng được cho là đang muốn giữ giá dầu ở mức thấp nhằm gây áp lực lên các nước thành viên sản xuất vượt hạn ngạch.
Ngoài yếu tố nguồn cung, thị trường còn bị tác động bởi những bất ổn chính sách tài khóa tại Mỹ. Đề xuất cắt giảm thuế và chi tiêu quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump ủng hộ đang làm dấy lên lo ngại về khả năng gia tăng thâm hụt ngân sách, một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, thời hạn chót 9/7 để đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ đang đến gần. Tổng thống Trump hôm thứ Hai đã chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề nhập khẩu gạo và đe dọa có thể kết thúc đàm phán với Tokyo. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cảnh báo rằng Nhật Bản và Ấn Độ có thể đối mặt với mức thuế bổ sung hơn 20% nếu không đạt được đồng thuận.
Nguy cơ leo thang xung đột thương mại đang khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, qua đó làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới.